Nhiệm vụ của giáo dục là chuẩn bị cho học sinh (đặc biệt là thế hệ Alpha) có đủ kiến thức và kỹ năng để thành công trong cuộc sống. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và rất dễ thất bại nếu không trang bị được tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh.
Giáo dục sớm theo định hướng STEM sẽ đặt nền móng cho trẻ mầm non hình thành kỹ năng của thế kỷ 21; mà “giải quyết vấn đề” chính là cốt lõi, được sử dụng trong suốt cuộc đời, giúp trẻ làm chủ những thay đổi về cơ cấu nghề nghiệp trong tương lai.
Nuôi dưỡng trí tò mò – khởi đầu phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề
Trẻ em luôn tò mò và khao khát khám phá tất cả mọi thứ xung quanh. Với hàng loạt câu hỏi: “Tại sao nó như vậy? Điều gì sẽ xảy ra nếu ta chạm vào nó? Mình có thể thay đổi cách hoạt động của nó không”,… sẽ kích thích bộ não “đầy thắc mắc” của trẻ bất cứ khi nào gặp điều mới lạ. Thói quen đặt câu hỏi và những trải nghiệm ban đầu sẽ giúp trẻ xây dựng kiến trúc não bộ, từ đó tạo nền tảng học tập vững chắc cũng như rèn luyện kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề.
Đối với những trẻ mầm non được giáo dục sớm theo phương pháp STEM không chỉ được kích thích trí tò mò mà sẽ hiểu rõ hơn về thế giới và các lĩnh vực liên quan thông qua các hoạt động dự án và trò chơi. Trẻ như được sống trong các khái niệm hơn là chỉ đọc và nghe về chúng, được đào sâu các khía cạnh của vấn đề, phát hiện nhiều cách trả lời khác nhau.
Các dự án với nhiều chủ đề hấp dẫn, giáo viên sẽ tạo ra các trải nghiệm thực tế bằng tình huống, câu hỏi gợi mở và khuyến khích trẻ nói lên phán đoán của mình. Ví dụ như hoạt động làm nước tắc thuộc dự án “Tắc” của các bạn nhỏ lớp Star 1 trường mầm non STEAMe GARTEN, trẻ sẽ đặt những câu hỏi xoay quanh về cách làm như “Làm sao vắt được nước tắt?”, “Tắc có vị chua thì mình cần làm gì để có nước tắc ngọt hơn?”,….
Xem thêm các ví dụ về dạy học STEM khác
Qua đó, trẻ được làm quen mới những kiến thức đơn giản trong cuộc sống, được tự tay làm và tìm ra đáp án cho những dự đoán kết quả trước đó của mình. Giống như phương pháp rèn luyện trí nhớ của Loci, khi trẻ thực hành một cái gì đó thì khả năng ghi nhớ sẽ cao hơn so với việc chỉ đọc hoặc nghe từ người khác. Chính như vậy, kỹ năng giải quyết vấn đề được hình thành và trở nên tự nhiên như học cách ăn uống hoặc đi bộ.
Cùng nhau làm việc nhóm để có những cách giải quyết tối ưu
Một trong những điều thú vị ở STEM là luôn thách thức trẻ đưa ra những ý tưởng mới, đầy sáng tạo, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề tối ưu. Trẻ được khuyến khích làm việc nhóm cùng nhau trong mỗi hoạt động STEM để giải quyết tình huống giáo viên đưa ra. Mỗi trẻ sẽ có những ý tưởng khác biệt nhưng cùng một mục tiêu chung; sau quá trình thảo luận, trẻ sẽ nhận ra rằng vấn đề có nhiều giải pháp khác nhau và một trong số đó sẽ tốt hơn cách còn lại.
Mỗi hoạt động STEM sẽ mang lại thử thách khác nhau, đối với vấn đề phức tạp hơn, cần nhiều công đoạn để giải quyết như hoạt động “Dựng lều trại bằng những nguyên vật liệu có sẵn”, giáo viên sẽ chia lớp theo nhóm 4-5 trẻ, cùng thảo luận với nhau về ý tưởng dựng đứng thanh gỗ như thế nào, hay trang trí bằng màu gì,…Trước khi thực hiện, nhóm trẻ sẽ phác thảo các ý tưởng bằng cách vẽ ra giấy, suy nghĩ dùng tăm tre hay que nhựa; dựng thành hình chữ nhật hay tam giác; chỉ ra những điểm khả thi trong mỗi phương án, sau đó đưa ra cách giải quyết tốt ưu nhất là dựng những thanh gỗ tạo thành 3 chân chống và dùng dây nối cố định các điểm.
Vai trò của giáo viên ở đây là theo dõi tiến độ và định hướng các giải pháp khi trẻ gặp khó khăn hoặc đi quá xa thực tế. Hoạt động làm việc nhóm sẽ khuyến khích trẻ hợp tác cùng nhau và đi đến thống nhất các ý tưởng độc đáo nhưng lại khả thi để giải quyết vấn đề ban đầu. Không những vậy, làm việc nhóm còn tạo cơ hội cho trẻ mở rộng vốn từ vựng và thực hành sử dụng ngôn ngữ để mô tả và giải thích các ý tưởng, hiện tượng.
“Học qua hành” mọi lúc mọi nơi – phát huy kỹ năng giải quyết vấn đề
Một trong những phương pháp dạy và học mang lại hiệu quả cao nhất cho giáo dục STEM là “Học qua hành” -“Learning by doing”. Trẻ có được kiến thức mới từ thực hành chứ không phải chỉ từ lý thuyết. Bằng cách xây dựng bài giảng theo chủ đề thực tế và khuyến khích trẻ thực hành, điều này giúp trẻ nhớ kiến thức lâu hơn, sâu hơn và tích lũy kinh nghiệm cho riêng bản thân mình.
Từ đó, khi gặp một vấn đề mới nhưng có những điểm tương đồng với vấn đề đã từng gặp, lúc này trẻ sẽ dễ dàng nhận ra và dùng kinh nghiệm đã biết để làm hướng phát triển tìm cách giải quyết nhanh hơn. Như hoạt động “Thiết kế ngôi nhà trước bão” của lớp Jupiter, ở hoạt động “Thiết kế ngôi nhà”, các bé đã biết dùng băng keo hoặc hồ để nối các miếng bìa carton làm thành mô hình ngôi nhà nhưng vấn đề mới được đặt ra trong hoạt động kia là “Liệu băng keo có làm mô hình ngôi nhà chắc chắn trước sức gió?”. Từ ý tưởng dùng một chất liệu có thể kết dính và để ngôi nhà có thể trụ vững, các bé đã nghĩ tới việc dùng đất nặn như nguyên liệu xi-măng khi xây nhà ở thực tế để làm mô hình vừa cứng cáp mà lại có thể kết dính.
Không chỉ ở trường lớp, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề bằng giáo dục STEM tại nhà. Phụ huynh sẽ là người chỉ dẫn, tạo cơ hội cho trẻ tự học thế giới xung quanh. Bằng cách cho trẻ được tiếp xúc và quan sát những vấn đề xung quanh, đơn giản như việc cùng mẹ nấu ăn, cùng ba làm vườn hay khám phá cấu tạo đồ chơi của con chẳng hạn,… Đừng lo sợ trẻ sẽ làm hỏng tất cả mọi thứ mà hãy nghĩ rằng đó chính là cơ hội để con tiếp thu kiến thức mới bằng thực tiễn và có thể ứng dụng khi giải quyết vấn đề.
Khi chưa có kỹ năng giải quyết vấn đề, mỗi lần gặp trở ngại sẽ khiến trẻ muốn trốn tránh và dễ dàng bỏ cuộc khi không tìm được cách vượt qua. Giáo dục STEM khuyến khích trẻ được phép thử và chấp nhận rủi ro, sẵn sàng thay đổi và tìm kiếm phương án mới khả thi để thay thế. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được học và rèn luyện các kỹ năng mà có thể sử dụng trong thế giới thực; từ đó dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của xã hội để đạt được thành công.