• Tiếng Việt
  • English

Góc nhìn chuyên môn

Định hướng giáo dục STEM trong chương trình tổng thể

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng giáo dục STEM trở nên phổ biến bởi nó đề cao sự phát triển của trẻ về các mặt khoa học, kỹ thuật, công nghệ… Trong bài viết này, STEAMe GARTEN sẽ cung cấp các quý phụ huynh những thông tin hữu ích về định hướng giáo dục STEM trong chương trình tổng thể ở thời đại mới.

STEM là gì?

STEM là mô hình giáo dục liên ngành kết hợp giữa Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học..

STEM là mô hình giáo dục liên ngành kết hợp giữa Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học..

Về định nghĩa giáo dục STEM: STEM là tên viết tắt của 4 bộ môn Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Maths). Giáo dục STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến 4 lĩnh vực trên theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.

Tầm quan trọng của STEM trong thế kỷ mới 

Theo báo cáo của trang web STEMconnector.org, vào năm 2018, các dự đoán ước tính nhu cầu của 8,65 triệu lao động trong các công việc liên quan đến STEM. Khu vực sản xuất phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên đáng báo động với các kỹ năng cần thiết – gần 600.000. 

Đây không phải là vấn đề riêng của các quốc gia đang phát triển. Ngay tại những nước có nền tảng khoa học công nghệ cao như Vương quốc Anh, Học viện Kỹ thuật Hoàng gia đã có báo cáo rằng Người Anh sẽ cần số lượng nhân sự tốt nghiệp chuyên ngành STEM mỗi năm là 100.000 người, cho đến năm 2020 chỉ để đáp ứng nhu cầu lao động. Theo báo cáo, Đức thiếu hụt 210.000 công nhân trong các ngành toán học, khoa học máy tính, khoa học tự nhiên và công nghệ.

CLB STEM của trường THPT Vinschool đang chuẩn bị sản phẩm cho cuộc thi Sáng tạo STEM

CLB STEM của trường THPT Vinschool đang chuẩn bị sản phẩm cho cuộc thi Sáng tạo STEM

Những con số đã nói lên vai trò quan trọng của STEM trong việc tạo ra nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Tại Việt Nam, dự đoán trước được sự cần thiết của STEM đối với công tác giáo dục, Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra các văn bản chỉ đạo khuyến khích các cơ sở giáo dục áp dụng STEM vào chương trình giảng dạy để đem tới nhiều ảnh hưởng tích cực cho học sinh.

Lợi ích của STEM đối với học sinh

Mô hình STEM đem tới rất nhiều cơ hội để học sinh có thể phát triển toàn diện về mọi mặt. Một số lợi ích vàng của STEM có thể kể đến là: 

  • Cơ hội ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào thực tế
  • Phát huy năng lực sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề
  • Cơ hội trải nghiệm kỹ thuật công nghệ khoa học tiên tiến
  • Nâng cao tinh thần đồng đội – khả năng làm việc nhóm.

Phương pháp giáo dục STEM trong chương trình tổng thể được triển khai như thế nào?

Định hướng giáo dục STEM là chương trình giáo dục hướng tới việc giúp học sinh phát triển bản thân toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, đồng thời có được những kỹ năng cần thiết phục vụ trong đời sống, thông qua các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học.

Với phương pháp dạy học tích hợp kiến thức đa môn, tăng khả năng sáng tạo và tư duy logic cũng như nâng cao hiệu suất học tập, STEM được khuyến khích áp dụng ở tất cả các cấp bậc giáo dục. Tuy nhiên, định hướng giáo dục STEM sẽ khác nhau ở nhiều cấp bậc:

  • Bậc mầm non: STEM nên được áp dụng sớm ở cho trẻ từ 0 – 6 tuổi. Đây là độ tuổi lý tưởng nhất để áp dụng phương pháp giáo dục STEM, đặt nền tảng cho các cấp độ giáo dục tiếp theo.
  • Bậc Tiểu học: định hướng giáo dục STEM cho học sinh tiểu học tập trung vào việc giúp trẻ làm nhận biết, làm quen và tạo cảm hứng với những môn học trong STEM. Từ đó, trẻ sẽ dần dần khám phá ra sự thú vị của STEM khi ứng dụng trong đời sống, và có niềm yêu thích với các lĩnh vực này
  • Bậc Trung học cơ sở: Ở giai đoạn này, giáo dục STEM THCS sẽ giúp trẻ sẽ nhận thức rõ ràng hơn về ứng dụng các lĩnh vực STEM trong thực tế. Qua đó, trẻ sẽ có định hướng về nghề nghiệp tương lai rõ ràng hơn.
  • Bậc Trung học phổ thông: Khi này, trẻ đã có thể giải đáp các câu hỏi, thách thức từ phương pháp Steam cho cấp phổ thông trung học bằng những kiến thức, kỹ năng đã được trau dồi. Qua đó, trẻ có thể tự vẽ nên lộ trình nghề nghiệp cho mình.

Dạy học theo định hướng giáo dục STEM có thể được triển khai dưới nhiều hình thức như giảng dạy tích hợp các môn học qua một chủ đề cụ thể, tổ chức các buổi thực hành, các hoạt động ngoại khóa như ngày hội STEM, hoặc xây dựng mô hình các CLB STEM với sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

Khi xây dựng bài dạy học theo định hướng giáo dục STEM nên sử dụng nội dung hẹp, thiết bị dạy học đơn giản để có thể dễ dàng minh họa cho kiến thức. Chủ đề nên lựa chọn dạng một dự án trong thực tiễn cuộc sống, thiết bị và kiến thức không phức tạp, thời gian thực hiện không dài. Quan trọng nhất, các chủ đề giáo dục STEM đều phải xác định các mục tiêu cần đạt được sau khi thực hiện đề tài, chủ đề.

Học sinh trải nghiệm mô hình STEM qua lớp học Chế tạo rô bốt tại STEAMe GARTEN

Học sinh trải nghiệm mô hình STEM qua lớp học Chế tạo rô bốt tại STEAMe GARTEN

Để triển khai dạy học theo định hướng giáo dục STEM đạt hiệu quả, cả giáo viên và học sinh cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau.

Giáo viên cần được hướng dẫn về các nguyên vật liệu, công cụ thực hiện, các tư liệu để dẫn đề tài; nghiên cứu đề tài, chủ đề; các phương án, kịch bản, giáo án STEM… Về phần học sinh, các em cần được gợi ý các vấn đề để có thể luyện tập, tìm hiểu mở rộng, nâng cao hoặc nghiên cứu chuyên sâu hơn sau khi đã thực hiện đề tài, chủ đề trong phạm vi thời gian, nội dung quy định.

Trong thời đại công nghệ như hiện nay, định hướng giáo dục STEM đã trở nên phổ biến và được áp dụng tại nhiều cơ sở giáo dục với nhiều cấp bậc từ mầm non đến trung học phổ thông. Trẻ được học tập và trải nghiệm mô hình giáo dục STEM sẽ phát triển được trí thông minh, khả năng sáng tạo và trở thành những nhân tài cho đất nước.