• Tiếng Việt
  • English

Góc nhìn chuyên môn

Làm thế nào để cùng trẻ vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2?

Khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn mà hầu hết trẻ em đều gặp phải trong quá trình phát triển. Ở giai đoạn này, trẻ chỉ muốn nói không và làm theo ý mình, khiến cha mẹ rất vất vả trong việc dạy dỗ và uốn nắn con. Hãy cùng STEAMe GARTEN tìm hiểu cách để cùng trẻ vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2 nhé!

Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?

Cha mẹ có thể thấy rõ những chuyển biến tâm lý của trẻ ở giai đoạn lên 2 tuổi. Trẻ thường phớt lờ những quy tắc mà cha mẹ đã đặt ra trước đó, hay ăn vạ, thường xuyên nói “không” với bất kỳ điều gì không thích, hoặc có xu hướng “bạo lực”: hay đấm đá, cào cấu…

Nguyên nhân của khủng hoảng tuổi lên 2 xuất phát từ việc trẻ thường có những thay đổi nhanh chóng về mặt cảm xúc. Trẻ muốn được yêu thương, chấp nhận, tôn trọng, nâng niu bảo vệ cũng như được đối xử như cách những người xung quanh đối xử với nhau.

Bên cạnh đó, khi kỹ năng nói đang hình thành, trẻ 2 tuổi bắt đầu muốn thể hiện mong muốn qua lời nói. Tuy nhiên, việc hạn chế về vốn từ và phát âm làm trẻ gặp khó khăn trong việc diễn đạt. Do đó, trẻ trở nên dễ khó chịu, “khủng hoảng” với chính mình và với người khác.

Ở độ tuổi lên 2, trẻ thường gặp nhiều rắc rối về việc kiểm soát cảm xúc của mình

Dấu hiệu của khủng hoảng tuổi lên 2

1 – Thường hay nói “không”

Một trong những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng tuổi lên 2 là tần suất nói “không” của trẻ ngày càng tăng lên. Việc nói “không” của trẻ thường khá vô nghĩa và diễn ra trong nhiều tình huống khác nhau: khi cha mẹ hỏi thăm, đưa cho trẻ một món ăn hay đồ chơi…

2 – Tuyệt đối bảo vệ những gì thuộc về mình

Trong giai đoạn lên 2, trẻ sẽ dần học về sự sở hữu, nhận biết được những gì là của mình, thuộc về mình như chỗ nằm, chỗ ngồi hay các món đồ chơi, thậm chí là cơ thể của cha mẹ. Khi đó, trẻ trở nên rất nhạy cảm và sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả việc gây hấn với mọi người nếu cảm thấy “lãnh thổ” của mình đang bị xâm phạm.

3 – Tỏ vẻ khó chịu khi cha mẹ không hiểu

Khi lên 2 tuổi, trẻ sẽ tìm cách để giao tiếp và giúp cha mẹ hiểu được mình đang muốn gì. Tuy nhiên, thật khó tránh khỏi những nhầm lẫn và điều này dẫn đến những cơn gào khóc khủng khiếp. Tình huống thường thấy như trẻ muốn ăn đồ ăn nhưng khi cha mẹ đưa, trẻ lại bật khóc vì cha mẹ không đưa đúng chiếc bát yêu thích của mình.

Trẻ 2 tuổi cần có sự ân cần và thấu hiểu từ phía cha mẹ

4 – Tâm trạng thất thường

Các bé 2 tuổi thường có tâm trạng và cảm xúc thay đổi thường xuyên, khó hiểu. Cha mẹ có thể thấy trẻ đang chơi rất vui nhưng đột nhiên trẻ lại dừng chơi, bực tức hoặc thậm chí gào khóc. Đó là hệ quả của việc những kỹ năng của trẻ ở hiện tại chưa hoàn thiện và trẻ cảm thấy khó chịu khi kết quả của trò chơi không như mình mong muốn.

5 – Có những hành động như đá, cắn, đánh…

Dù mang ý nghĩa tiêu cực nhưng những hành động này cũng nằm trong chuỗi những nỗ lực của trẻ để giao tiếp và đạt được điều mình muốn. Các bé 2 tuổi chưa có nhiều từ ngữ để diễn tả và chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc, vì thế khi xúc động, trẻ dễ bùng phát những hành động như đá, cắn, cào, đánh…

Cha mẹ nên làm gì với trẻ lên 2?

Khủng hoảng tuổi lên 2 là giai đoạn hết sức nhạy cảm của trẻ nhỏ, rất cần có sự đồng hành của cha mẹ. Vậy cha mẹ hãy lưu ý và áp dụng những cách sau đây nhé!

1 – Thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn

Trẻ nhỏ luôn mong muốn được đối xử như một cá thể độc lập và cần sự thấu hiểu từ phía cha mẹ. Do đó, khi phải đối diện với những khoảnh khắc cáu gắt của trẻ, cha mẹ hãy bình tĩnh và giúp trẻ giải toả được những cảm xúc tiêu cực này.

Với những áp lực từ công việc và cuộc sống riêng, cha mẹ thường mất bình tĩnh trước những hành động không đúng mực của con, quát mắng: “Không được, mẹ cấm nghe chưa!”, “Hơi tý là ăn vạ, hư quá!”, “Nín ngay”… hoặc sử dụng các hình phạt, đòn roi để răn đe trẻ.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ có tâm lý chưa ổn định, những hình thức răn đe, dọa nát chỉ làm gia tăng cảm giác khó chịu trong trẻ. Đồng thời, việc sử dụng bạo lực về ngôn ngữ và thân thể sẽ dẫn tới hình thành tâm lý không tốt ở trẻ, khiến trẻ càng không nghe lời hoặc có xu hướng xa lánh cha mẹ.

Chính vì thế, khi gặp những tình huống như vậy, cha mẹ hãy lắng nghe và quan sát trẻ, sử dụng những lời động viên, gợi mở con chia sẻ nhiều hơn về vấn đề con đang gặp phải. Chẳng hạn như “À, con không thích cái này phải không?”, “Con bị ngã nên con đau đúng không?”, “Con muốn ăn bánh à?”, “Con đang khó chịu trong người phải không”…Những câu nói như vậy vừa tạo cảm giác an toàn cho trẻ và giải quyết vấn đề theo cách nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Trẻ 2 tuổi cần có sự ân cần và thấu hiểu từ phía cha mẹ

2 – Dự đoán và ngăn ngừa trước sự tức giận của trẻ

Khi có con ở độ tuổi lên 2, các bậc phụ huynh hãy đặt mình trọng trạng thái chủ động để dự đoán những thời điểm mà trẻ dễ trở nên xúc động để có thể ngăn ngừa trước sự tức giận và xoa dịu tâm trạng trẻ kịp thời.

Thông qua việc quan sát các hành động thường ngày của trẻ, cha mẹ có thể dự đoán được thời gian và lý do vì sao trẻ thay đổi cảm xúc, hành động, như khi mệt mỏi hay ốm là khoảng thời gian trẻ dễ cáu gắt, mè nheo, tức giận…Ngoài ra, cha mẹ có thể phòng tránh sự tức giận của trẻ bằng việc đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn trong các tình huống. Khi chuẩn bị đi ra ngoài, thay vì lấy luôn áo cho trẻ thì cha mẹ hãy hỏi trẻ thích mặc áo gì và có thể để trẻ tự quyết định.

3 – Không nên áp đặt mong muốn của mình lên trẻ

Trong những cơn khủng hoảng tuổi lên 2, chắc hẳn không ít lần cha mẹ đã dùng những câu như “Con phải làm cái này…”, “Con không được phép làm cái kia…”. Tuy nhiên, những câu nói này chẳng những không giúp vấn đề được giải quyết mà còn làm trẻ trở nên bực dọc hơn. Đó là bởi vì trẻ chưa nhận thức đầy đủ được về khả năng của mình cũng như phân định chính xác đúng – sai, tốt- xấu.

Chính vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ được tự lập và tạo điều kiện để trẻ được tự lập. Hãy để cho trẻ được tự do lựa chọn trong khuôn khổ cho phép hoặc cha mẹ có thể đưa ra sẵn những lựa chọn phù hợp cho trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên để con tự làm những công việc đơn giản như tự dùng tay lấy thức ăn, bê cốc uống nước, nhặt đồ chơi, bóc trứng,… Điều này sẽ giúp trẻ bản thân bản thân mình có thể làm được những việc có ích và đang được cha mẹ đối xử như người lớn.

Các bậc phụ huynh nên hình thành cho trẻ thói quen tự lập và tự đưa ra ý kiến riêng

Chăm sóc tâm lý cho trẻ lên 2 tại STEAMe

Hiểu rõ những khủng hoảng mà trẻ gặp phải ở độ tuổi lên 2, STEAMe GARTEN luôn chú trọng chăm sóc toàn diện cho trẻ cả về mặt tâm lý và thể chất để trẻ được thoải mái, vui vẻ, học hỏi những điều mới mẻ.

STEAMe GARTEN tạo điều kiện để trẻ hình thành và phát triển tính tự lập, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ lên 2 thông qua những hoạt động học hỏi, khám phá. Ngoài các giờ học trên lớp, trẻ còn được tham gia những hoạt động ngoại khoá như CLB võ, múa, vẽ,… hay các chuyến dã ngoại, tham quan và đi thực tế.

Trẻ được tự mình làm những sản phẩm thủ công, làm những món ăn đơn giản

Trẻ được tự mình làm những sản phẩm thủ công, làm những món ăn đơn giản

Trẻ tham gia vào các hoạt động khám phá

Trẻ tham gia vào các hoạt động khám phá

Trẻ tham gia các hoạt động vui chơi

Trẻ tham gia các hoạt động vui chơi

Không chỉ vậy, tại STEAMe, mỗi trẻ đều được quan tâm, thấu hiểu từ những hành động, cử chỉ nhỏ nhặt nhất. Các giáo viên của STEAMe GARTEN không chỉ đóng vai trò là người thầy, người cô, mà còn là người bạn ân cần, có mặt bên trẻ để giúp trẻ giải toả cảm xúc tiêu cực và vượt qua khủng hoảng tuổi lên 2.

Trẻ luôn được giáo viên quan tâm, thăm hỏi

Trẻ luôn được giáo viên quan tâm, thăm hỏi

Khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ chưa bao giờ là điều dễ dàng với các bậc cha mẹ. Tuy nhiên đây lại là giai đoạn quan trọng, đánh dấu sự phát triển tâm lý tự nhiên, hình thành con người của trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ hãy luôn bình tĩnh để có thể đồng cảm và sẻ chia cùng trẻ trong hành trình lớn lên này. Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm về khủng hoảng tuổi lên 2 và mô hình giáo dục STEM tại STEAMe GARTEN bằng điền vào form dưới đây.

Bài viết liên quan:
Tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non