• Tiếng Việt
  • English

Tin tức - Sự kiện

DỊCH TAY CHÂN MIỆNG VÀO MÙA, XUẤT HIỆN CHỦNG VIRUS MỚI

Dịch tay chân miệng và sởi đang vào mùa, thậm chí là xuất hiện chủng virus mới. Nếu có con dưới 2 tuổi cha mẹ cần lưu ý những triệu chứng ban đầu để kịp thời thông báo đến bác sĩ.

Theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, chỉ trong 3 tuần trở lại đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng đột biến, gấp 5 lần so với tháng trước và đã có một trẻ thiệt mạng.

Chủng virus EV 71

Trong một tuần trở lại đây, mỗi ngày khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp nhận hàng chục trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng, ngày cao điểm lên đến gần 80 trẻ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đến ngày 26-9, bệnh viện có 179 ca đang điều trị bệnh tay chân miệng, trong đó có gần 30 ca nặng phải nằm phòng cấp cứu.

Nếu không phát hiện sớm các triệu chứng, bệnh tay chân miệng có thể gây tử vong

Nếu không phát hiện sớm các triệu chứng, bệnh tay chân miệng có thể gây tử vong

Tính từ đầu tuần đến nay, có 10 trẻ phải thở máy và 5 trẻ phải lọc máu và đã có 1 trẻ thiệt mạng do bệnh tay chân miệng. Nguyên nhân số ca nhập viện vì tay chân miệng năm nay là do nhiễm chủng virus EV 71 nguy hiểm.

Chủng virus này có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như phù phổi, viêm phổi, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Hơn nữa, bệnh lại lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên nguy cơ bùng phát, lây lan trong mùa mưa lũ hiện nay là rất lớn.

Cách phòng bệnh tay chân miệng

Nếu trẻ bị tay chân miệng thì trước hết cần chăm sóc và theo dõi tại nhà. Nếu ngay từ đầu đã nhận thấy các dấu hiệu như sốt hơn 2 ngày hoặc trẻ sốt cao từ 39 độ trở lên, uống thuốc khó và kèm theo các triệu chứng sau thì phải nhanh chóng đưa trẻ nhập viện ngay:

  • Tiếp tục sốt cao trên 39 độ
  • Giật mình chới với, lúc thiu thiu ngủ, nẫy người
  • Thở mệt, da nỗi bông, không sờ thấy mạch hay mạch đập quá nhanh

Đây đều là dấu hiệu cho thấy bệnh đã chuyển nặng, có thể gặp biến chứng nên cha mẹ không nên lơ là, chủ quan.

Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là:

  • Người lành, đặc biệt là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với người mang bệnh nếu không thật sự cần thiết.
  • Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
  • Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
  • Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
  • Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
  • Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động
  •  Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.
  • Khi thấy trẻ có dấu hiệu: trẻ khó ngủ, quấy khóc liên tục, hay giật mình, lúc thức hay nói nhảm, hoảng hốt lúc thiu thiu ngủ, sốt cao các chi, run và co giật, nôn ói nhiều thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

> Xem thêm: Bệnh giao mùa ở trẻ thường gặp

Theo marrybaby.vn