Giống như không khí để thở, nước để uống thì ánh sáng xung quanh chúng ta đã trở nên quá đỗi quen thuộc, ánh sáng tồn tại một cách tự nhiên và hiện hữu trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Chính vì sự quen thuộc đó mà người lớn chúng ta dường như “quên mất” việc dạy cho trẻ khám phá và tìm hiểu về ánh sáng, về sự vận động của thời gian. Nhưng ở STEAMe lại khác, tất cả những điều tưởng chừng “hiển nhiên” đó sẽ được đưa vào trong dự án mầm non “Ánh sáng”, các con được khám phá, tìm hiểu mọi vấn đề, sự vật hiện tượng xung quanh cuộc sống của mình.
Với dự án mầm non “Ánh sáng”, trong hai tuần các bạn nhỏ STEAMe sẽ được tìm hiểu về ánh sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo, ánh sáng mang lại cho con người giá trị như thế nào? Ánh sáng liên quan gì đến sự vận động của vũ trụ?…. Để xây dựng được dự án với những tiết học về ánh sáng không hề dễ dàng, các cô giáo của STEAMe đã nỗ lực rất nhiều, tìm tòi, quan sát và chọn lọc để làm sao đưa những nội dung, kiến thức phù hợp với lứa tuổi mầm non.
Trong tuần đầu của dự án các bé được cô hướng dẫn cách phân biệt đâu là ánh sáng tự nhiên, đâu là ánh sáng nhân tạo. Các con đã biết ánh nắng mặt trời, ánh trăng, sao là ánh sáng tự nhiên, còn ánh sáng từ lửa, điện, nến, từ đèn pin…. là ánh sáng nhân tạo. Các bé còn biết được rằng ánh sáng nhân tạo được tạo ra khi con người sử dụng nhiên liệu như: nước, điện, lửa, pin… để tạo ra và đây là nguồn năng lượng hữu hạn, các con phải sử dụng hợp lý và tiết kiệm.
Ngoài những kiến thức lý thuyết kể trên thì phần khiến các con hào hứng nhất trong dự án này là khi được cô hướng dẫn và cùng con tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế, tận dụng ánh sáng để chơi và học.
Trời “nắng vàng ươm” các con được lên sân Sky Gardent để tìm hiểu về ánh sáng tự nhiên – chính là ánh sáng mặt trời đấy bố mẹ ạ. Con còn được cô giải thích vì sao khi có nắng sẽ in bóng xuống mặt đất, những thời điểm khác nhau thì kích thước và hướng của bóng cũng khác nhau. Con còn được dùng phấn để vẽ bóng của bạn in trên nền đất, điều này đòi hỏi các con phải phối hợp với nhau rất tốt. Bạn làm mẫu thì phải giữ nguyên tư thế, bạn vẽ thì phải thật tỉ mỉ và cẩn thận để vẽ bạn mình sao cho đẹp nhất.
Vẽ bóng của bạn là con đã biết tận dụng ánh sáng tự nhiên trong giờ học, còn với ánh sáng nhân tạo thì cô trò STEAMe đã tận dụng như thế nào? Con cùng các bạn của mình dưới sự hướng dẫn của cô đã tự dàn dựng và tạo ra một “sân khấu” rối bóng vô cùng chuyên nghiệp từ màn hình giấy, đèn pin, con rối… Các bạn nhỏ STEAMe rất thông minh, chỉ cần cô hướng dẫn một chút thôi là các con tự làm con rối, từ trang trí màn hình và tự biểu diễn cho các bạn cùng xem. Những nhân vật trong giờ học múa rối bóng đều bước ra từ những câu chuyện cổ tích mà các con yêu thích như: Cô bé quàng khăn đỏ, thỏ và rùa… Vừa được chơi, vừa được học kiến thức mới, vừa được ôn bài, còn gì thú vị hơn?
Ngoài những hoạt động trên các con còn được vẽ theo bóng của những đồ vật như ngôi sao, con cá, bông hoa in trên tường khi có đèn pin chiếu vào. Con còn được tạo những bức tranh cát rực rỡ sắc màu trên bàn án sáng. Con đã rất hào hứng khi tạo ra một “không gian ảo” nhiều màu sắc khi chiếu đèn pin vào những hình khối có dán giấy bóng kính màu…
Với dự án mầm non “Ánh sáng”, bên cạnh việc tìm hiểu, khám phá các loại ánh sáng ứng dụng trong cuộc sống, các con còn được hướng dẫn các kỹ năng tự đảm bảo an toàn khi tiếp xúc, tiếp cận với các loại ánh sáng đó, đặc biệt là sự an toàn đối với đôi mắt còn non nớt của trẻ.
Một dự án tưởng như rất khô khan và khó nhưng với sự sáng tạo vô bờ bến của mình, cô trò STEAMe đã tạo ra những giờ học với rất nhiều hoạt động thú vị đúng không nào? Vừa chơi vừa học là cách tốt nhất để các con tìm hiểu và tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và nhanh nhất đấy bố mẹ ạ.
Bài, ảnh Thu Hà