Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ đã giúp cho thế hệ trẻ ngày nay có thêm nhiều công cụ để tiếp cận với thế giới, thoản mãn tính tò mò, ưa khám phá, thể hiện sự năng động và nhạy bén khi tiếp thu cái mới. Tuy nhiên, chính sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của xã hội đã phần nào can thiệp, hạn chế chức năng giáo dục của gia đình và các thiết chế truyền thống khiến cho trẻ em, ở mọi lứa tuổi, từ mầm non đến vị thành niên gặp nhiều thách thức, bộc phát nhiều hành vi lệch chuẩn.
Gỡ rối cho các bậc phụ huynh, Thạc sĩ giáo dục – Chuyên gia tâm lý giáo dục Lê Thị Thu Huyền đã có những chia sẻ, tư vấn hết sức gần gũi, khoa học tại Hội thảo trực tuyến “Ứng xử thế nào khi con có hành vi lệch chuẩn?”. Hội thảo được tổ chức hoàn toàn phi lợi nhuận bởi Hệ thống Mầm non STEAMe GARTEN và Trường liên cấp STEAMe – STEAMe SCHOOLS, cùng với sự đồng hành của Apax Leaders.
Vào lúc 19h30 ngày 24/03/2022, hội thảo đã diễn ra qua nền tảng zoom với sự tham gia của gần 400 bậc phụ huynh và giáo viên, cùng với đó là sự quan tâm theo dõi của rất nhiều phụ huynh thông qua bản chiếu trực tiếp trên nền tảng Facebook.
Với góc nhìn đa chiều của một chuyên gia giáo dục hàng đầu, và cũng là một người người mẹ, những chia sẻ của cô Lê Huyền đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm, mến phục của các phụ huynh và giáo viên tham gia hội thảo.
Những nguyên nhân dẫn tới hành vi lệch chuẩn của trẻ
Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra với một trái tim trong sáng và hướng thiện, không hề có bất kỳ sự toan tính nào. Nhưng kể cả khi đã bước vào độ tuổi trung học, trẻ vẫn đang trong gian đoạn phát triển và phải đối diện với những điều chưa hoàn thiện về: Tâm sinh lý; Khả năng nhận thức và phương pháp học tập; Kiến thức và kinh nghiệm và đặc biết là các Kỹ năng phát hiện nguy cơ, ứng xử với nguy cơ và tiềm kiếm sự giúp đỡ.
Nêu quan điểm về thế nào là “chuẩn”, Thạc sĩ Lê Huyền nhắc các bố mẹ không nên vội vàng phán xét hay quy chụp, bởi “chuẩn” hay “lệch chuẩn” phụ thuộc rất nhiều vào quy định, quy tắc của các cá nhân hay tổ chức cụ thể, trong một hoàn cảnh nhất định, và cũng phụ thuộc vào tâm lý, động cơ khi trẻ hành động.
Giới thiệu thêm về tháp nhu cầu của Maslow, Thạc sĩ Lê Huyền đã giúp cho các bậc phụ huynh và giáo viên hiểu hơn về các nhu cầu cơ bản của con người nói chung và trẻ em nói riêng, và đưa ra thêm những lý giải về nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi lệch chuẩn.
Có đôi khi, dù mục đích của trẻ là trong sáng, chỉ muốn lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức, muốn bảo vệ bạn bè không bị bắt nạt,… hoặc vì muốn được bạn bè chấp nhận, được thể hiện bản thân nên bắt chước, làm theo những hành vi lệch chuẩn mà lại không hề nhận thức được hành vi của mình là lệch chuẩn, không thể lường trước được hậu quả mà hành vi lệch chuẩn gây ra cho mình và người khác.
Bởi vậy, Thạc sĩ giáo dục – Chuyên gia tâm lý giáo dục Lê Thị Thu Huyền cho rằng: “Khi con có hành vi lệch chuẩn, điều đầu tiên mà cha mẹ cần có là phải thực sự hiểu được con. Chỉ khi hiểu được những nét tính cách đặc biệt, cá tính riêng của con, hiểu được các đặc điểm tâm lý lứa tuổi của con và những vấn đề, những điểm hạn chế mà con đang gặp phải thì cha mẹ mới có thể giúp con sửa chữa, bù đắp những thiếu sót, cùng con hoàn thiện hơn mỗi ngày. Quy chụp, trừng phạt không những không giúp con hiểu được vấn đề, mà thậm chí còn khiến trẻ cảm thấy ấm ức vì không được lắng nghe, cảm thấy bản thân bị đối xử thiếu công bằng, đôi khi còn đem đến những hệ quả không mong muốn. Cha mẹ hãy luôn nhớ rằng, điều con trẻ cần nhất luôn là sự thấu hiểu và trợ giúp tích cực của cha mẹ”.
Con trẻ có hành vi lệch chuẩn, cha mẹ cần ứng xử ra sao?
“Cha mẹ cần bật ngay 3 công tắc vàng: ĐỒNG CẢM – ĐỒNG HÀNH – DẪN DẮT, phải nắm được 3 chiếc chìa khóa tác động có tính then chốt này, trước khi đưa ra bất cứ phản ứng nào khi đứng trước hành vi lệch chuẩn của con” – Thạc sĩ giáo dục – Chuyên gia tâm lý giáo dục Lê Thị Thu Huyền giải thích thêm rằng, sự đồng cảm chỉ có được khi cha mẹ đã có sự quan sát và lắng nghe, chủ động ngồi xuống bên cạnh con, đặt mình vào vị trí của con; sau đó, cha mẹ cần đồng hành với con để bóc tách vấn đề, chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của mình, nghe con giải thích; một khi đã tạo ra được sự tin tưởng, kết nối với con, cha mẹ hãy tiếp tục dẫn dắt để con tìm ra giải pháp, bù đắp những thiếu sót và đưa ra những lựa chọn tốt hơn.
Tuy nhiên, cô Lê Huyền nhấn mạnh, bất cứ lúc nào, ngay cả khi phải đối diện với những hành vi lệch chuẩn của con, cha mẹ cũng phải luôn luôn tuân theo các Nguyên tắc giáo dục trẻ trong gia đình như: Yêu thương và tôn trọng trẻ, luôn làm gương cho con, kiên nhẫn và bao dung, giải quyết vấn đề bằng đồng cảm và lắng nghe chứ không phải bằng roi vọt và trừng phạt, không áp đặt, tạo niềm tin chứ không dùng quyền uy, khen công khai, phê bình kín đáo và luôn có lý do, luôn đảm bảo sự công bằng giữa các con,… .
Giúp các bậc phụ huynh có thể áp dụng vào các hoàn cảnh thực tế, Thạc sĩ giáo dục – Chuyên gia tâm lý giáo dục Lê Thị Thu Huyền đã đưa ra những gợi ý cụ thể, và khuyến khích các phụ huynh nên tìm hiểu thêm, điều chỉnh để phù hợp với con em mình: Bình tĩnh tiếp nhận sự việc; Tự nhìn nhận/kiểm điểm bản thân; Chọn đúng thời điểm để giải quyết; Tôn trọng trẻ; Cho trẻ cơ hội được giải thích; Cùng trẻ phân tích đúng/sai – phân biệt rõ hành vi lệch chuẩn cố ý và vô tình; Cho trẻ được đề xuất phương án khắc phục/ điều chỉnh/ chịu trách nhiệm/ nhận kỉ luật.
Hội thảo khép lại với phần Hỏi – Đáp, các phụ huynh đã đưa ra những quan điểm, chia sẻ câu chuyện cá nhân, đặt câu hỏi trực tiếp cho chuyên gia. Những lời khuyên hết sức bổ ích, khoa học và gần gũi đến từ Thạc sĩ giáo dục – Chuyên gia tâm lý giáo dục Lê Thị Thu Huyền đã nhận được rất nhiều sự cảm kích, mến phục của các phụ huynh, các giáo viên tham gia hội thảo.