Với bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, trẻ rất dễ đi lạc nếu ba mẹ không để ý kĩ lưỡng. Phòng tránh tốt hơn ứng phó, vì vậy cần dạy trẻ kỹ năng khi đi lạc để trẻ có sự chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống không hay xảy đến.
Dạy trẻ phòng tránh đi lạc
Phòng tránh đi lạc là kỹ năng khởi đầu mà các bé cần nắm rõ để không bị rơi vào tình huống xấu.
Một số cách phòng tránh đi lạc cho bé:
- Ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ và ít nhất một số điện thoại cố định thường gọi người thân thường gọi (ông bà nội, ngoại…)
- Luôn nắm tay ba mẹ nơi đông người
- Biết những người bạn, đồng nghiệp của bố mẹ để tránh bị dụ dỗ
Những phương pháp phòng ngừa thụ động cha mẹ có thể áp dụng:
- Dán thông tin của bố mẹ (số điện thoại, địa chỉ…) lên quần áo của trẻ mỗi khi ra ngoài
- Đeo vòng tay hoặc đồng hồ định vị cho trẻ khi ra ngoài
- Cha mẹ cũng có thể chủ động thực hành cho bé bằng cách đứng một nơi và quan sát cách xử trí của trẻ để kịp thời đưa ra những bổ trợ hữu ích cho con.
Dạy trẻ kỹ năng khi bị lạc
Kỹ năng nhờ giúp đỡ
Nguyên tắc “Nói không với người lạ” có thể sẽ là rào cản của bé trong việc tìm sự giúp đỡ khi bé không thể tự xoay sở được khi đi lạc. Từng có trường hợp phải mất đến 4 ngày đêm mới tìm được một đứa trẻ chỉ vì bé cố gắng trốn chạy đội tìm kiếm. Do đó, phụ huynh hãy hướng dẫn cụ thể cho con: nên tìm đến ai để nhờ giúp đỡ và nói như thế nào? Dặn con tìm đến những người mặc áo đồng phục hoặc đeo bảng tên để nhờ giúp đỡ.
Về phía bố mẹ cũng cần phải nhanh chóng nhờ giúp đỡ khi phát hiện ra bé đi lạc.
Dạy trẻ biết cảnh giác và từ chối
Hãy tập cho trẻ nói không với những người lớn mà bé cảm thấy không thoải mái khi tiếp xúc. Dặn bé cẩn trọng với những người cứ dụ bé cho quà hay nhờ bé làm giúp cái gì đó bởi người lớn thường nhờ những người lớn khác giúp mình. Khi gặp tình huống như vậy, hãy giữ khoảng cách với người đó đồng thời thu hút sự chú ý của những người lớn khác vào mình hoặc có thể bỏ chạy về phía đông người.
Nội dung liên quan:
Những thông tin trẻ cần phải nhớ
Trong lúc hoảng sợ, có thể bé sẽ quên những thông tin như số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ… vì thế, cách tốt nhất là hãy để con đem theo một mảnh giấy ghi tên, số điện thoại của bạn và của một người thân khác có thể liên lạc khi cần thiết. Nhắc con nhớ rằng tờ giấy này phải cất kỹ và chỉ đưa cho người có trách nhiệm. Về phần bố mẹ, hãy để âm lượng điện thoại to lên để có thể nghe thấy dù đứng trong đám đông.
Hãy cho con biết con không cần chạy khắp nơi tìm cha mẹ khi bị lạc. Con chỉ cần đứng yên một chỗ, nhờ người lớn gọi điện thoại hoặc nhờ người lớn tìm sự giúp đỡ của những người mặc đồng phục như bảo vệ, chú công an, nhân viên an ninh, cảnh sát…Nếu bé ở độ tuổi lớn hơn hãy định ra một nơi tập trung khi bị lạc mất bố mẹ. Địa điểm này phải dễ đến, dễ tìm như trạm bảo vệ, quầy hướng dẫn, quầy thu ngân siêu thị,… .
Cuối cùng, khi phát hiện ra bé đi lạc bố mẹ không nên phát hoảng và mất bình tĩnh. Mất bình tĩnh sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm thậm chí còn khiến cho tình huống trở nên xấu đi. Hãy tìm đến những người có trách nhiệm như quản lí quầy hàng, bảo vệ và cung cấp cho họ những thông tin mô tả, tên, tuổi, nơi cuối cùng bạn thấy bé… Luôn giữ trong ví ảnh gần nhất của bé để việc tìm kiếm dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu có thể hãy luôn cho bé mặc quần áo sáng màu khi đến nơi công cộng.
Trẻ bị lạc thường mang sẵn tâm lý hoang mang, sợ hãi. Mặc dù bố mẹ có thể rất hoảng sợ nhưng khi tìm thấy con cũng đừng vội vàng mắng nhiếc. Lúc này con cần được ôm ấp, yêu thương để chấn tĩnh lại. Khi bé đã chấn tĩnh lại, hãy cho bé biết tình huống vừa rồi rất nguy hiểm, cùng nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm cho bé.
Rất mong những kiến thức trên đây có thể cung cấp thêm thông tin bổ ích cho các phụ huynh trong việc dạy trẻ kỹ năng khi đi lạc. Để biết thêm thông tin chi tiết mời quý vị phụ huynh điền thông tin vào form để được tư vấn!