Hoạt động Technology: Make sensory ocean bottles – Hướng dẫn bé Làm đồ chơi từ vật liệu tái chế. Đây là một hoạt động trong dự án “con cá vàng” của các bé khối Nhà trẻ tại STEAMe GARTEN.
Thế là các bạn nhỏ khối nhà trẻ tại STEAMe đã được tìm hiểu và học tập trong dự án “Con cá vàng” được 2 tuần rồi đấy. Trong dự án này, ngoài việc tìm hiểu về các chú cá vàng, các cô giáo còn mở rộng cho các con tìm hiểu thêm kiến thức về môi trường sinh sống của loài cá này, trong đó, có đại dương xanh bao la với thật nhiều loài cá và sinh vật khác nữa. Để các bạn nhỏ hiểu hơn về môi trường sống của các loài cá tôm, các bạn nhỏ khối Nhà trẻ trường STEAMe còn được tự tay làm cho mình những “đại dương nhỏ” – Làm đồ chơi từ vật liệu tái chế thông qua hoạt động Technology: Make sensory ocean bottles
Cô giáo cùng các con trò chuyện về Đại dương xanh, về cách làm một “Đại dương” mini.
Cùng làm đồ chơi từ nguyên vật liệu tái chế nhé
Từ những nguyên vật liệu dễ tìm, nguyên vật liệu phế thải như: chai nhựa, nước, màu thực phẩm, một chút kim tuyến, vài vỏ ốc nhỏ hay hình dán sticker các chú cá vàng xinh đẹp… các bạn nhỏ STEAMe đã tạo ra được những “Đại dương nhỏ” vô cùng dễ thương. Để làm nên những đồ chơi từ vật liệu phế thải không hề khó, chỉ cần quan sát các cô hướng dẫn, cộng với một chút khéo léo và một vài thao tác cắt dán đơn giản là các bạn nhỏ đã có thể tạo nên được 1 món đồ chơi sensory rất thú vị rồi.
Say sưa quan sát “Đại dương xanh”
Bé học được gì từ đồ chơi từ vật liệu tái chế?
Qua hoạt động này trẻ được vận dụng các kỹ năng: đong, rót, đo, xúc, … bằng việc thao tác, sử dụng những đồ dùng: phễu, cốc, thìa, ống bóp…. Từ đó rèn luyện cho các con khả năng tu duy, hoạt động theo quy trình, sự khéo léo, kiên trì và tính sáng tạo.
Để làm được một “đại dương tí hon” này, các con được học cách rót nước từ bên ngoài vào chiếc chai có miệng bé xíu bằng các dụng cụ hỗ trợ như: phễu, cốc… Sau đó dùng ống bóp để hút và nhỏ vài giọt màu xanh nước biển để biến nước trong chai thành màu xanh của đại dương, tiếp đến các con sẽ dùng thìa để xúc một chút kim tuyến vào khiến đại dương trông long lanh hơn. Bước cuối cùng là trang trí cho đại dương nhỏ bằng cách cho vào trong vài vỏ ốc, vỏ sò nhỏ…hoặc bố mẹ có thể giúp các bạn nhỏ sáng tạo bằng cách dán những sticker, hình ảnh các chú cá nhỏ đang tung tăng bơi lội bên ngoài…để đại dương sinh thêm động hơn.
Các con vô cùng khéo léo và tỉ mỉ để tạo ra những “Đại dương” của riêng mình
Bé có thích hoạt động làm đồ chơi từ vật liệu phế thải không?
Các bạn nhỏ đã vô cùng thích thú với hoạt động này, bởi ngoài việc có thể tự tạo ra cho mình 1 món đồ chơi, việc ngắm nhìn các chú cá, chú ốc trong “đại dương” di chuyển và cùng trò chuyện về chúng cũng sẽ giúp cho các con phát triển về thị giác, trí tưởng tượng, khả năng ngôn ngữ rất nhiều…
Vậy là dù chỉ trong 1 hoạt động thôi nhưng các bạn nhỏ học được rất nhiều điều thú vị và bổ ích. Từ những vật liệu vô cùng đơn giản, tưởng chừng bỏ đi, nhưng qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của cô và trò trường STEAMe các con đã có cho mình cả một “đại dương xanh” vô cùng hấp dẫn. Những hoạt động này cũng phần nào dạy cho các con ý thức trong việc sử dụng vật liệu tái chế, bảo vệ môi trường sinh trưởng cho các bạn cá nói riêng và môi trường sống nói chung.
Thu Hà