• Tiếng Việt
  • English

Góc nhìn chuyên môn

TRẺ 18 THÁNG TUỔI CHƯA BIẾT NÓI CÓ ĐÁNG LO KHÔNG?

Trong những năm tháng đầu đời, bên cạnh cân nặng và khả năng hấp thụ dinh dưỡng thì sự phát triển về ngôn ngữ của con luôn là điều bố mẹ quan tâm nhất. Ở giai đoạn vàng 16 đến 18 tháng tuổi là thời điểm phát triển ngôn ngữ tốt nhất của con, tuy nhiên một số trẻ 18 tháng vẫn chưa biết nói, liệu điều này có đáng lo ngại?

Giai đoạn 16-18 tháng tuổi là giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ

Giai đoạn 16-18 tháng tuổi là giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ

Sự phát triển của trẻ 18 tháng

–  Hầu hết trẻ 18 tháng đã có thể nói được những từ ngắn, gọi tên được người, một số con vật, các món đồ chơi theo yêu cầu. Ví dụ như: Gà, mèo, chó, bóng…

– Nhận biết được từ 6 – 20 từ quen thuộc, phân biệt được một số bộ phận cơ thể như mắt, mũi, miệng, tóc của mình.

– Biết đòi đi vệ sinh.

– Chỉ được vào các bộ phận trên cơ thể.

– Biết xếp một số loại đồ chơi đơn giản.

– Trẻ đi được khá vững, tốc độ nhanh hơn, đi lên được cầu thang nếu có người lớn dắt tay.

– Trẻ có thể tự xúc ăn

– Trẻ nói được nhiều câu ngắn gồm vài từ.

Dấu hiệu trẻ chậm nói

– 4 tháng tuổi: Không muốn mô phỏng theo tiếng của bố mẹ

– 6 tháng tuổi: Không cười hoặc khóc

– 8-9 tháng tuổi: Không bị thu hút bởi ngôn ngữ xung quanh, không nói ê a

– 10 tháng tuổi: Chưa phản ứng lại với tên gọi của mình, không thể hiện bé buồn hay vui

– 12 tháng tuổi: Chưa biết làm các động tác vận động như lắc đầu, vẫy tay, chưa nói được phụ âm hoặc âm hai chữ

– 15 tháng tuổi: Không hiểu các từ đơn giản bố mẹ nói như “có”, “không”, không có phản ứng trước ngôn ngữ

– 18 tháng tuổi: Chưa nói được 6-10 từ đơn, không biết dùng tay chỉ những thứ mình thích

Mẹ cần làm gì khi trẻ 18 tháng chưa biết nói

Chủ động nói chuyện với trẻ nhiều hơn

Chủ động nói chuyện với trẻ mọi lúc mọi nơi là cách tốt nhất để cải thiện khả năng nói của trẻ. Đối với trẻ trong giai đoạn tập nói, có thể sử dụng những âm thanh đơn giản như: ba, mẹ, bà… để trẻ bắt chước và nói chuyện theo.
Với trẻ lớn hơn, cần nói chuyện thật chậm, rõ từng từ để trẻ có thể bắt chước dễ dàng hơn.

Bố mẹ cũng nên kết hợp với hành động tay, chân, biểu cảm khuôn mặt khi trò chuyện với trẻ. Khi trẻ đáp lại, hãy tỏ ra hào hứng, khen ngợi trẻ. Còn nếu chưa hãy kiên nhẫn, lặp lại nhiều lần và khuyến khích trẻ tiếp tục tập nói.

Không bắt chước theo giọng điệu của trẻ

Khi trẻ tập nói, thường phát âm không chuẩn, nói ngọng hoặc líu lưỡi. Vì vậy, trong quá trình dạy trẻ, người lớn cần tuyệt đối không bắt chước nói theo giọng điệu của trẻ. Bởi điều này khiến trẻ hình thành thói quen khó sửa, trẻ sẽ tiếp tục nói sai, nói ngọng nhiều lần và khó sửa.

Đọc sách & kể chuyện cho trẻ

Sách và những câu chuyện sẽ giúp trẻ làm quen với từ mới, khám phá được cách mọi người trò chuyện với nhau. Bố mẹ nên chọn những quyến sách có nhiều hình ảnh, màu sắc tươi sáng, phù hợp với độ tuổi của trẻ để trẻ cảm thấy thích thú hơn.

Giải thích hành động của người lớn cho trẻ hiểu

Khi trẻ hiểu hơn về những hành động gắn kết với các đồ vật xung quanh mình sẽ giúp con kích thích khả năng phát triển ngôn ngữ, bố mẹ hãy kiên nhẫn giải thích những hành động nhỏ như: Xỏ giày để đi ra ngoài, bát và thìa dùng để xúc ăn,… Điều này sẽ khuyến khích trẻ tự giải quyết vấn đề, hãy để trẻ tự do làm những gì mình muốn.

Tạo môi trường giúp trẻ phát huy khả năng nói

Có một môi trường lành mạnh trẻ sẽ học nói nhanh hơn. Vì thế, bố mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ có thể chơi và tiếp xúc với các bạn cùng lứa tuổi nhiều hơn bằng cách cho con đến trường mầm non, giao tiếp với các bạn hàng xóm,… Việc này không những giúp trẻ trở nên bạo dạn, nhanh nhẹn mà còn tạo cho trẻ có nhiều điều kiện để phát triển ngôn ngữ hiệu quả hơn.

Tìm đến sự tư vấn, điều trị của bác sĩ

Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu những cấu trúc đơn giản hoặc khó tập trung khi người khác đang nói chuyện và đề cập tới sự vật nào đó, bố mẹ nên đến gặp bác sĩ và các chuyên gia để được tư vấn. Các bác sĩ sẽ tìm cách phát hiện nguyên nhân gây ra tình trạng này qua thăm khám thính giác và các cơ quan phát âm để xác định con đang chậm hơn các bạn cùng tuổi ở mức độ nào và từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Nhìn chung, trẻ 18 tháng chưa biết nói không phải vấn đề quá nghiêm trọng, vì thế bố mẹ không nên quá lo lắng, thay vào đó hãy tạo những điều kiện tốt nhất cho con phát triển ngôn ngữ, dạy con theo cách khoa học để tình trạng chậm nói nhanh chóng được cải thiện. Hy vọng bài viết này sẽ đem đến cho bố mẹ những kiến thức bổ ích để áp dụng trong nuôi dạy trẻ.