Trong những ngày gần đây, bệnh tay chân miệng ở trẻ đang rơi vào thời kỳ bùng phát và có những diễn biến phức tạp. Tốc độ lây lan của bệnh khá nhanh, đôi khi trở nên nguy hiểm với các biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp…khi bệnh trở nặng. Chính vì vậy, bố mẹ cần đặc biệt theo dõi sát sao để kịp thời nhận ra các dấu hiệu sớm nhất để được điều trị đúng cách và kịp thời.
1. Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Một điều may mắn là các dấu hiệu trẻ mắc bệnh tay – chân – miệng rất dễ nhận biết bao gồm:
- Tổn thương ở da: Xuất hiện mụn nước, da rát đỏ ở một vài vị trí đặc biệt, như vùng họng (tổn thương niêm mạc miệng, lợi, lưỡi), bỏng nước ở quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân, vùng mông, đầu gối…
- Sốt: Trẻ thường sốt nhẹ. Nếu cơn sốt cao mà các thuốc hạ sốt thông thường không có tác dụng thì đây dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
- Một số trẻ có biểu hiện đau miệng, mệt mỏi, nôn ói, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt, quấy khóc, ngủ hay giật mình, lơ mơ…
Khi phát hiện trẻ có một trong bất cứ các dấu hiệu trên, bố mẹ cần lập tức đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc.
2. Nguyên nhân bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ?
- Lây trực tiếp: Thông qua đường tiêu hoá khi các bé ăn uống chung hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ trẻ mắc bệnh.
- Lây gián tiếp: Qua bàn tay hoặc cầm, nắm vật dụng bị nhiễm virus (thường là đồ chơi, bàn ghế hay tay nắm cửa), sau đó trẻ vô tình cho tay vào miệng.
Một số yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh tay – chân – miệng ở trẻ
- Vệ sinh cá nhân kém: Là cơ sở để virus xâm nhập vào cơ thể
- Thường xuyên tiếp xúc với nhiều trẻ ở nơi công cộng: Làm tăng nguy cơ mắc bệnh do tính chất truyền nhiễm dễ lây lan.
3. Nguyên tắc phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín và phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi, nước muối); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.
4. Điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ
Khi trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng, ngoài việc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bố mẹ cần chủ động trong chế độ ăn uống và chăm sóc tại nhà cho trẻ.
- Chế độ chăm sóc tại nhà: Bố mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc hạ sốt hoặc thuốc kháng sinh, điều trị theo phác đồ bác sĩ nhằm mục đích hạ sốt, giảm đau miệng và đau họng.
- Chế độ ăn uống: Thực đơn hàng ngày của trẻ nên được thay bằng các món ăn mềm, không cần nhai nhiều, đặc biệt tránh đồ ăn chua hoặc cay. Bố mẹ có thể bổ sung thêm sữa chua, các món tráng miệng hoa quả để tăng sức đề kháng cho con. Sau mỗi bữa ăn, trẻ cần được súc miệng bằng nước muối sinh lý, nước sạch.
Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có vắc-xin đặc trị, các triệu chứng của bệnh khi được điều trị đúng cách sẽ tự khỏi sau 10 ngày đến 1 tuần.
Bố mẹ tuyệt đối chú ý và tuân thủ những nguyên tắc phòng bệnh để giúp con phòng tránh tốt nhất với dịch bệnh tay chân miệng.
>> Xem thêm: Các bệnh trẻ hay gặp trong thời điểm giao mùa