• Tiếng Việt
  • English

Tin tức - Sự kiện

Cảnh báo bố mẹ: Dùng thuốc hạ sốt quá liều, bé 27 tháng tuổi nguy kịch.

(Theo vtv.vn) Bé 27 tháng tuổi ở Thanh Sơn, Phú Thọ bị sốt cao từng cơn, suốt 4 ngày, bé được bố mẹ cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày.

 

Nguồn ảnh: vtv.vn

Bé 27 tháng tuổi được đưa vào Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ C, khó thở nhiều, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2cm. Các bác sĩ chẩn đoán suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc Paracetamol.

Sau khi được sơ cấp cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Các bác sĩ tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm.

2 giờ sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao, Bilirubin tăng cao.

Đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan, sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản bệnh nhi được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

Theo các bác sĩ, có rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc đã xảy ra trong đó những loại thuốc hay gặp như thuốc hạ sốt, điều trị tiêu chảy (Loperamid), thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), hạ huyết áp, chống dị ứng, thuốc á phiện, thuốc ngủ… Cách đây 1 năm, bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 3 tuổi tử vong do ngộ độc Paracetamol.

Qua trường hợp của bé 27 tháng tuổi tại Phú Thọ, các bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh hậu quả nghiêm trọng của việc bị ngộ độc thuốc:

– Khi các bé bị sốt, ho cần phải được đi khám bác sĩ chuyên khoa và dùng thuốc theo đơn, đúng liều lượng và đúng hướng dẫn, không được tự ý dùng thuốc.

– Với các bà mẹ đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ điều trị, do có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ khi bú sữa mẹ.

– Để thuốc ngoài tầm thấy, tầm với của trẻ, tốt nhất là nên cất giữ thuốc trong tủ có khóa an toàn.

Nguyên nhân ngộ độc thuốc ở trẻ:

– Do người nhà tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

– Một số phụ huynh vì muốn trẻ nhanh khỏi bệnh đã tự ý tăng liều thuốc cho trẻ.

– Cha mẹ sử dụng đơn thuốc của trẻ khác để mua thuốc cho con uống đã vô tình gây hại cho trẻ.

– Nhiều gia đình chưa cất giữ thuốc cẩn thận, để thuốc trong các hộp đựng bánh/kẹo làm trẻ ăn nhầm. Đặc biệt là những gia đình có trẻ tầm 2 – 3 tuổi trẻ rất thích khám phá nên nguy cơ uống nhầm thuốc của người lớn là điều khó tránh.

– Có nhiều trường hợp do cha mẹ cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

– Tâm sinh – lý của trẻ lứa tuổi vị thành niên đang có nhiều thay đổi nên trẻ rất nhạy cảm với những xung đột trong cuộc sống. Đã có nhiều trường hợp trẻ dùng thuốc để tự tử do buồn chuyện gia đình; do bị điểm kém hay bị cha mẹ, thầy cô la mắng.

Khi ngộ độc thuốc trẻ có thể bị tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không được can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng thậm chí dẫn đến tử vong.

 

Nguồn: vtv.vn

>> Xem thêm: Các bệnh trẻ hay gặp trong thời điểm giao mùa