Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát và có diễn biến tốt, nhưng để đảm bảo sức khỏe và giúp trẻ nhanh chóng quay lại thói quen học tập. Cha mẹ cần chuẩn bị cả về tâm lý lẫn các vật dụng cần thiết để trẻ mầm non hào hứng đi học sau mùa dịch mà lại đảm bảo an toàn ở trường.
Cha mẹ hãy cùng tham khảo những chia sẻ dưới đây để có sự chuẩn bị tốt nhất, vui vẻ và an toàn đi học lại sau dịch.
Tâm lý của trẻ mầm non khi chuẩn bị quay trở lại trường sau kỳ nghỉ dài
Suốt kỳ nghỉ dài hơn 3 tháng, không ít trẻ bị thay đổi “đồng hồ sinh học”; trẻ thường đi ngủ muộn và thức dậy trễ hơn, có khi không ngủ trưa. Thậm chí điều này còn ảnh hưởng đến việc ăn uống không đúng giờ hoặc bỏ bữa.
Bên cạnh đó, có trẻ sa đà xem tivi, chơi game trên các thiết bị thông minh như điện thoại hay máy tính bảng quá nhiều mà không dành thời gian cho các hoạt động vận động bổ ích khác như tập thể dục, phụ giúp làm việc nhà,… Lâu dần trẻ sẽ trở nên thụ động và hình thành tâm lý sợ sệt, nhút nhát.
Đến khi đi học trở lại, trẻ sẽ phải thức dậy sớm hơn, không được xem tivi hay chơi game sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, dễ dàng nổi nóng, cáu gắt.
Thật không dễ dàng để có thể khiến trẻ làm quen lại với việc đến trường trong khi đang tận hưởng giờ phút vui chơi tự do tại nhà, được dậy muộn hay luôn có bố mẹ, ông bà bên cạnh.
Lời khuyên của chuyên gia giáo dục giúp trẻ mầm non hào hứng đi học lại ở trường
Bà Nguyễn Thị Thuý – Quyền Tổng Hiệu trưởng Hệ thống mầm non STEAMe GARTEN – chia sẻ rằng bố mẹ cũng không nên lo lắng hay áp lực khi trẻ không thích đi học lại sau kỳ nghỉ dài.
Thời điểm này, bố mẹ hãy đồng hành cùng trẻ tham gia vào việc chuẩn bị một số đồ dùng cũng như chia sẻ cảm xúc với con để ổn định tâm lý của trẻ.
Cùng trẻ xây dựng lại nề nếp sinh hoạt như lúc đi học
Việc hình thành thói quen cho trẻ nhỏ sẽ rất dễ dàng nếu kiên trì thực hiện mỗi ngày. Do đó, bố mẹ hãy cùng con xây dựng lại nề nếp sinh hoạt mới trước thời gian đi học ít nhất 1 – 2 tuần.
Bắt đầu bằng việc bố mẹ nên cho trẻ đi ngủ sớm và đánh thức đúng giờ như khi đi học.
Thời gian đầu, bố mẹ sẽ khá khó khăn nhưng với những cách gọi trẻ nhẹ nhàng như vuốt ve má hoặc cánh tay, mở cửa sổ để phòng tràn ngập ánh sáng tự nhiên và khí trời mát mẻ giúp kích thích thị giác và não bộ, hay bật bài hát yêu thích sẽ làm trẻ tỉnh giấc với tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
Áp dụng đều đặn mỗi ngày đến khi đi học trở lại, trẻ có thể tự giác thức dậy và sẵn sàng đến trường thật vui vẻ.
Bên cạnh đó, trẻ nên tham gia bài tập thể dục để khởi động cơ thể, sau đó dùng bữa sáng để bổ sung năng lượng bắt đầu ngày mới hào hứng hơn.
Tăng cường sức đề kháng và rèn luyện kỹ năng bảo vệ an toàn sức khỏe cho trẻ mầm non hào hứng đi học
Không chỉ giúp con làm quen lại nề nếp sinh hoạt mà việc bảo vệ sức khỏe để trẻ mầm non hào hứng đi học trở lại sau mùa dịch cũng rất quan trọng.
Với trẻ từ 1 đến 6 tuổi chưa có ý thức sâu sắc cũng như biết cách phòng bệnh, bố mẹ càng nên chú tâm nhiều hơn.
Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ và vitamin, giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn nguy cơ mắc bệnh do virus cảm cúm.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần thường xuyên hướng dẫn trẻ cách đeo khẩu trang đúng cách, dùng khăn giấy hoặc tay để che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch trước khi ăn để trẻ ghi nhớ và tạo thói quen khi đi ra ngoài.
Chuẩn bị đồ dùng cần thiết trước khi đến trường
Bà Thúy chia sẻ thêm rằng ngoài việc ổn định tâm lý cho trẻ thoải mái, bố mẹ cần chuẩn bị “hành trang” đầy đủ khi trẻ đến trường.
Những đồ dùng không thể thiếu trong balo của trẻ gồm 2-3 bộ quần áo, chăn gối, khăn, bàn chải đánh răng, bỉm, bình hoặc ly uống nước, sữa.
Quan trọng nhất là hàng ngày khi đến trường, trẻ cần được trang bị 2 chiếc khẩu trang kháng khuẩn và khăn lau tay để trẻ sử dụng riêng. Vật dụng này cần được thay mới và làm sạch mỗi ngày để bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ.
Hơn hết, bố mẹ cũng nên thường xuyên trao đổi với nhà trường để nắm rõ tình hình và biết cách phối hợp với cô giáo, ban giám hiệu trong công tác đón trẻ quay lại trường an toàn.
Chẳng hạn như theo quy định các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức ăn sáng cho trẻ, vì vậy trẻ sẽ ăn sáng trước khi đến trường.
Và cùng với nhà trường theo dõi, khai báo tình hình sức khỏe cũng như kiểm tra thân nhiệt trước và sau khi đến lớp; đón trả trẻ tại khu vực sảnh để hạn chế tiếp xúc với học sinh ở lớp học.
Bố mẹ hãy an tâm và chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng cá nhân và vật dụng bảo hộ bé như khẩu trang, nước rửa tay,.. cũng như tăng cường sức đề kháng tốt. Quan trọng hơn, cùng phối hợp với nhà trường để trẻ mầm non hào hứng đi học ở trường sau mùa dịch.
Nguồn: Báo Giáo dục
>>Xem thêm: Làm gì để khuyến khích bé đi mẫu giáo?